Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Cưỡng ép ly hôn sẽ bị xử lý như thế nào?

14:57 CH
Thứ Ba 17/12/2024
 211

Cưỡng ép ly hôn là tình trạng một trong hai bên (hoặc gia đình) ép buộc người còn lại phải ly hôn dù không có sự đồng thuận. Hiện tượng này còn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong một số gia đình có tư tưởng phong kiến hoặc các mâu thuẫn phức tạp.

1. Cưỡng ép ly hôn là gì?

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

Cưỡng ép ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải ly hôn trái với ý muốn của họ.

Như vậy có thể hiểu đơn giản là cưỡng ép là hôn làm hành vi tác động đến người còn lại trong hôn nhân, khiến cho họ buộc phải ly hôn, mặc dù họ không muốn điều đó.

2. Cưỡng ép ly hôn bị xử lý như thế nào?

Hành vi cưỡng ép ly hôn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cụ thể như sau:

2.1. Xử phạt hành chính

Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

Như vậy, hành vi cưỡng ép ly hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000.

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 181, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: 

“Người nào cưỡng ép người khác hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Như vậy, có thể hiểu là nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi cưỡng ép ly hôn. Nhưng sau đó lại tiếp tục thực hiện hành vi này, thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

3. Dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép ly hôn

- Khách thể:  Hành vi cưỡng ép ly hôn đã xâm phạm quyền được duy trì hôn nhân hoặc tự nguyện ly hôn, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ.

- Mặt khách quan:  Hành vi cưỡng ép ly được thể hiện qua các thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác. Cụ thể:

    • Hành hạ và ngược đãi là những hành vi đối xử tàn nhẫn, gây ra đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài cho người khác, chẳng hạn như thường xuyên đánh đập (dù không gây thương tích), giam giữ, bắt nhịn ăn, chịu lạnh, lăng mạ…
    • Uy hiếp tinh thần là khi một người đe dọa sẽ gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, hoặc các quyền lợi quan trọng của người khác, khiến họ thực sự lo sợ và phải khuất phục. Ví dụ, đe dọa đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư, hoặc cha mẹ, người thân dọa tự tử nếu không ly hôn….
    • Yêu sách của cải là việc đòi hỏi tài sản một cách vô lý, và coi đó là điều kiện để ly hôn, nhằm cản trở việc ly hôn tự nguyện giữa hai bên.

- Chủ thể: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, chủ thể thường là những người có quan hệ gần gũi với nạn nhân, như quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc công việc, và nạn nhân thường phụ thuộc vào họ ở mức độ nhất định.

- Mặt chủ quan: Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý, với mục đích cưỡng ép người khác ly hôn trái hoặc cản trở người đó duy trì hôn nhân theo nguyện vọng của họ.

4. Một số nguyên nhân của việc cưỡng ép ly hôn.

Thứ nhất: Tư tưởng trọng nam khinh nữ và áp lực từ gia đình

  • Trong các gia đình có tư tưởng truyền thống nặng nề, việc người vợ không sinh được con trai thường bị xem là “không tròn bổn phận”.
  • Một số gia đình chồng gây áp lực, ép buộc người vợ phải ly hôn để “tìm người khác” có thể sinh con trai nối dõi tông đường.
  • Điều này xuất phát từ quan niệm cổ hủ và thiếu bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở một số vùng quê Việt Nam.

Thứ hai: Mâu thuẫn gia đình và áp lực dư luận xã hội

  • Mâu thuẫn giữa hai bên gia đình nội - ngoại có thể là nguyên nhân khiến một trong hai người bị ép phải ly hôn.
  • Những định kiến xã hội như “con dâu không phù hợp gia đình”, “người vợ/chồng không xứng đôi vừa lứa”... gây ra áp lực lớn, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
  • Dư luận và lời đàm tiếu từ hàng xóm, họ hàng đôi khi khiến một trong hai bên không chịu được áp lực và buộc phải ly hôn.

Thứ ba: Bạo lực gia đình và kiểm soát trong hôn nhân

  • Trong nhiều trường hợp, người chồng hoặc vợ sử dụng bạo lực thể xác và tinh thần để ép buộc người còn lại phải chấp nhận ly hôn.
  • Hành vi này bao gồm đe dọa, đánh đập, chửi bới, gây áp lực tâm lý khiến người kia cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân.

Thứ tư: Vấn đề tài chính và lợi ích kinh tế

  • Một số trường hợp ly hôn cưỡng ép xuất phát từ tranh chấp tài sản hoặc lợi ích kinh tế.
  • Gia đình chồng/vợ hoặc một trong hai người muốn giành quyền kiểm soát tài sản, nhà đất, từ đó ép buộc đối phương phải ly hôn để đạt được mục đích.

Thứ năm: Ngoại tình và áp lực từ mối quan hệ ngoài luồng

  • Khi một trong hai người có mối quan hệ ngoài luồng, họ có thể ép buộc đối phương ly hôn để đến với người khác.
  • Thậm chí, người có hành vi ngoại tình có thể dùng các biện pháp tiêu cực như hăm dọa, bạo lực hoặc vu khống để ép ly hôn.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .